Hồ Gươm

Hồ Hoàn Kiếm còn được gọi là Hồ Gươm, là một hồ nước ngọt tự nhiên của thành phố Hà Nội. Hồ có diện tích khoảng 12 ha.

Vịnh Hạ Long

Vịnh Hạ Long là một vịnh nhỏ thuộc phần bờ Tây vịnh Bắc Bộ tại khu vực biển Đông Bắc Việt Nam, bao gồm vùng biển đảo thuộc thành phố Hạ Long, thành phố Cẩm Phả và một phần của huyện đảo Vân Đồn của tỉnh Quảng Ninh.

Sapa

Sa Pa là một thị trấn vùng cao, là một khu nghỉ mát nổi tiếng thuộc huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai, Việt Nam

Thứ Tư, 30 tháng 3, 2016

Những món ăn ngon Quy Nhơn

Bún chả cá
Đây là món đặc sản nổi tiếng nhất ở thành phố biển xinh đẹp Quy Nhơn. Điểm làm nên sự khác biệt so với bún chả cá ở những địa phương khác chính là chả cá và nước dùng. Chả cá ở đây được chế biến hoàn toàn từ cá tươi với nhiều gia vị được nêm nếm kĩ lưỡng theo phương thức gia truyền. Nước dùng chủ yếu được nấu từ xương cá, đầu cá tạo ra vị ngọt dễ chịu, khó quên. Ăn kèm với bún chả cá là chén tương ớt đặc trưng được pha chế chỉ Bình Định mới có.

Nem chợ huyện
Nem chợ Huyện không mềm như nem Thủ Đức, không ngọt như nem Lai Vung, nem An Cựu mà dai dai, sần sật, chua chua, giòn giòn, ngọt thanh đã miệng. Nem tươi đã ngon, nướng với than, ăn kèm với bánh, chả ram, rau mùi, tía tô, rau răm, chuối, khế xắt nhỏ, dưa leo, nước chấm (hoặc xì dầu) và vài múi tỏi, trái ớt càng tuyệt.

Bánh ít lá gai
Bánh ít lá gai là một loại bánh đặc sản của người dân Bình Định nói riêng và miền Trung nói chung. Nguyên liệu chính để làm bánh là bột nếp và lá gai. Bánh khi ăn mềm, dẻo cùng vị ngọt vừa phải rất ngon miệng.

Rượu Bầu Đá
Bình Định xưa nay không chỉ nổi tiếng là một vùng đất võ mà còn nổi tiếng với nét ẩm thực độc đáo, say lòng người. Một trong những đặc sản của vùng đất võ chính là rượu Bàu Đá. Rượu Bàu Đá đã từng được nhà thơ Nguyễn Duy phong là "Đệ nhất tửu" sau khi ông vào tận nơi để thưởng thức. Rượu Bàu Đá là sự cộng hưởng của nhiều nhân tố. Đầu tiên đó là sự thừa hưởng dòng nước ngọt ngào của ngọn nguồn sông Kôn được ủ lạnh, lọc trong từ những hộc đá ngầm ở Vực Bà, Nước Miên, Nước Trinh, sông Kxôm, Hầm hô...

Cháo lòng bánh hỏi

Món ăn này có nguồn gốc từ Diêu Trì, Bình Định, là sự kết hợp rất độc đáo giữa bánh hỏi, lòng heo và cháo trắng. Bánh hỏi được làm từ gạo như cách làm bún nhưng sợi bánh thanh mảnh hơn. Khuôn làm bánh hỏi là những chiếc ống tròn, đáy khuôn được khoan thành những lỗ nhỏ li ti. Bánh hỏi có ngon và đẹp mắt hay không phụ thuộc rất nhiều vào khuôn. Nếu lỗ nhỏ quá, sợi bánh sẽ thanh mảnh, dễ bị đứt gãy, nếu lỗ to quá bánh lại giống sợi bún.

Thứ Ba, 22 tháng 3, 2016

Về miền trung khám phá đặc sản xứ thanh

Nem chua, chả tôm, bánh cuốn, gỏi cá, mắm tép, bánh răng bừa, bánh gai hay đồ hải sản đều là những món ngon xếp vào hàng đặc sản mà bất cứ người con xa quê nào cũng nhớ về, trở thành niềm tự hào để người dân nơi đây giới thiệu khắp chốn

Chả tôm là món ăn độc đáo và lạ miệng với những thực khách phương xa. Người Thanh Hóa sáng tạo và chế biến món ăn này khá cầu kỳ: Tôm băm hoặc xay nhuyễn, cho vào ít bột gấc để tạo màu, sau đó trộn cùng thịt ba chỉ bằm đã được xào vàng cùng hành, tỏi để tạo thành hỗn hợp nhân. Bánh được gói bằng bánh phở vuông nhỏ bằng lòng bàn tay, xếp vào vỉ, đem nướng trên bếp than hoa. Khi chín tỏa ra mùi thơm quyến rũ, ăn vào thấy mềm ngọt đậm đà.

Nem chua xứ Thanh nổi tiếng bởi vị chua dịu, đậm đà, không cay như nem Huế, ngọt như nem miền Nam, phù hợp khẩu vị với nhiều người. Nguyên liệu chính làm nem là thịt lợn còn nóng hổi. Sau khi xẻ xong, người thợ phải chế biến luôn. Nếu để thịt nguội sẽ không tạo độ kết dính của nem trong quá trình lên men. Bì lợn cũng được lựa chọn kỹ, làm sạch và thái mỏng. Hỗn hợp thịt lợn xay nhuyễn trộn cùng bì, thính, đường, bột ngọt, tỏi, ớt và lá đinh lăng. Bên ngoài, mỗi chiếc nem được bọc lá chuối dày, giúp quá trình lên men tự nhiên.

Ngoài món nem chua, người Thanh Hóa còn tự hào với đặc sản nem nướng Thọ Xuân. Nguyên liệu làm nem nướng tương đối giống nem chua nhưng lớp ngoài nem còn được cuốn thêm lá ổi để giúp quả nem lên men tốt hơn. Nếu nem chua được gói hình trụ dài, thì quả nem nướng sẽ có hình dạng to hơn, gần bằng nắm tay.


Ai tới Sầm Sơn mà chưa thưởng thức qua đặc sản gỏi cá thật quả đáng tiếc. Cá dùng để làm gỏi thường là loại cá ít xương, nặng chừng 3-5 ký. Cá được rửa sạch, dùng dao sắc lọc riêng phần thịt. Thịt cá được ướp với nước cốt chanh trộn với thính gạo rang thơm tho rồi bày ra đĩa. Nước chấm mới là thứ đặc sắc hơn cả của món gỏi cá biển Sầm Sơn. Nước chấm được làm từ da và gan cá, thịt ba chỉ, trứng vịt, tỏi khô, mẻ, mắm muối, đường.. tạo nên loại nước sốt sánh đặc, vàng ươm mà đậm đà khó cưỡng.

Thứ Năm, 17 tháng 3, 2016

Biển Thiên Cầm ở Hà Tĩnh

Thiên Cầm Thuộc huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh, cách thành phố Hà Tĩnh hơn 20km.Biển Thiên Cầm là một vùng thiên nhiên hoang sơ. Nơi đây chỉ có tiếng sóng dội vào hang núi khiến những chuông đá, khánh đá vọng vang trở thành khúc nhạc muôn điệu như những tiếng đàn trời có tự ngàn xưa.

Bãi biển Thiên Cầm như hình cánh cung trải dài gần 3km bắt đầu từ núi Thiên Cầm đến núi Đầu Voi, cùng với Cùm Nậy (núi lớn) và Cùm Con (núi bé) tạo nên những phím đàn trời án ngự dòng suối Kỳ La, để dòng suối trong vắt này uốn lượn rồi đổ ra biển.

Điểm ấn tượng của bãi biển Thiên Cầm là dù dịch vụ du lịch đã khá phát triển vẫn giữ được vẻ đẹp hoang sơ, yên tĩnh vốn có. Bờ biển thoải, cách bờ tới hơn 100 m nước vẫn trong vắt một màu đến mức có thể nhìn tận đáy. Du khách có thể thỏa sức nô đùa cùng với từng cơn sóng nhẹ, tận hưởng cảm giác trong lành, mát mẻ của biển xanh.

Nếu đi dọc đường bờ biển xuôi về phía Nam bạn sẽ đến với làng cá Cửa Nhượng có tuổi đời trên trăm năm, có nghề làm mắm ruốc nổi tiếng với hương vị đặc trưng, bùi ngọt. Ngoài biển xanh, cát trắng, nắng vàng, tiếng đàn trời vi vút Thiên Cầm còn hấp dẫn du khách bởi đặc sản chim Cu Kỳ thơm ngon.

Ngoài bãi biển Thiên Cầm, tỉnh Hà Tĩnh còn rất nhiều danh lam thắng cảnh khác như núi Hồng Lĩnh, chùa Hương Tích, Hồ Kẻ Gỗ, Vườn quốc gia Vũ Quang... Hàng năm vào mùa xuân, Hà Tĩnh càng trở nên nhộn nhịp, tưng bừng bởi nơi đây có các lễ hội tôn giáo lịch sử mang đậm nét văn hóa truyền thống của người dân địa phương như: hội chùa Hương Tích, hội đền Cả, hội Đua thuyền, hội Cầu ngư...


Đến thăm Thiên Cầm, du khách sẽ được hoà mình vào những con sóng cửa biển cả, thả hồn theo trời mây trên đỉnh núi hay tham quan những danh thắng nổi tiếng và thưởng thức những món ăn của vùng biển miền Trung đầy nắng và gió. 

Thứ Năm, 10 tháng 3, 2016

Bãi biển cửa lò Nghệ An

Hè đến, cứ nghe đến đi tắm biển là ai cũng thích mê. Cửa Lò (Nghệ An) là một trong những điểm đến cực kỳ hợp lý cho dịp nghỉ ngơi của gia đình. Sông Lam đổ ra Cửa Hội, dòng chảy mạnh ra biển Đông theo hải lưu hướng về phía nam mang theo bao phù sa để biển Cửa Lò quanh năm trong xanh, nước biển trong vắt nhìn thấy cát, nước biển Cửa Lò không mặn chát mà vừa phải.

Bãi tắm Cửa Lò dài trên 10km, có độ dốc thoai thoải, cát trắng phẳng mịn, nước trong và sạch, không pha lẫn bùn như một số bãi biển khác. Phía trên bãi biển còn có nhiều khu lâm viên rộng với những rặng phi lao, rặng dừa xanh tốt. Nước biển ở đây có độ mặn rất cao. Vì thế, Cửa Lò là một trong những bãi tắm lý tưởng ở Việt Nam.

Bãi biển nơi đây đón chào du khách không chỉ bằng dải cát dài phẳng lặng, hay những rặng phi lao rì rào trong gió, hay tiếng sóng vỗ bờ không nghỉ ngày đêm, mà còn bằng vẻ đẹp tráng lệ của thời khắc ban mai, khi bình minh lên và mặt trời ló dạng. Bên cạnh những áng mây rực sắc đỏ huy hoàng, một ngày mới bắt đầu cùng hình ảnh lam lũ của người dân là ấn tượng khó phai mờ trong ký ức của những ai đã một lần từng chứng kiến.

Ở Cửa Lò, ngoài đặc sản biển như mọc cua bể, ghẹ hấp me, cháo nghêu, cháo lươn…du khách còn có thể tham gia các hoạt động thể thao như bơi, lặn, lướt sóng, bóng chuyền bãi biển, môtô nước…


Cửa Lò về đêm mang hình ảnh một thành phố nhấp nhô trên mặt biển. Du khách có thể bắt một chiếc thuyền thúng và cùng ra khơi với ngư dân, tròng trành trên biển đêm để chong đèn vớt những đám mực sim bị ánh sáng thôi miên. Mùa hè, sóng nhẹ, lũ mực thấy sáng là kéo nhau đến vây quanh nên có khi chỉ dùng vợt là có thể vớt được khá nhiều, cảm giác thật là thú vị.

Thứ Tư, 9 tháng 3, 2016

Thành nhà Hồ ở Thanh Hóa

Thành nhà Hồ (hay còn gọi là thành Tây Đô, thành An Tôn, thành Tây Kinh hay thành Tây Giai) là kinh đô nước Đại Ngu (quốc hiệu Việt Nam thời nhà Hồ), nằm trên địa phận nay thuộc tỉnh Thanh Hóa.

Thành Nhà Hồ do Hồ Quý Ly - lúc bấy giờ là tể tướng dưới triều đại nhà Trần - cho xây dựng vào năm 1397. Thành xây xong, Hồ Quý Ly ép Vua Trần Thuận Tông rời đô từ kinh thành Thăng Long (Hà Nội) về Thanh Hóa. Tháng 2 năm Canh Thìn (1400), Hồ Quý Ly lên ngôi vua thay nhà Trần và đặt tên nước là Đại Ngu (1400-1407), thành Nhà Hồ chính thức trở thành kinh đô. Thành Nhà Hồ trong lịch sử còn có các tên gọi khác là thành An Tôn, Tây Đô, Tây Kinh, Tây Nhai, Tây Giai.

Thành nhà Hồ gồm 3 bộ phận là La thành, Hào thành và Hoàng thành. La thành là thành ngoài cùng được đắp bằng đất, xung quanh có các lũy tre bao bọc, có chức năng bảo vệ Hoàng thành. Tiếp đó là Hào thành nằm giữa gần bên chân thành để dẫn nước và cũng có chức năng bảo vệ Hoàng thành.. Trong đó, công trình đồ sộ nhất và còn khá nguyên vẹn cho đến ngày nay là Hoàng thành.

Toàn bộ mặt ngoài tường thành và bốn cổng chính được xây bằng những phiến đá vôi màu xanh, được đục đẽo tinh xảo, vuông vức, xếp chồng khít lên nhau. Các bức tường thành được ghép từ những khối đá lớn, có phiến dài tới hơn 6 m, ước nặng 20 tấn. Mỗi phiến đá được đục đẽo và mài khá nhẵn, xếp chồng lên nhau tạo nên tường thành to lớn mà không cần chất kết dính, trải qua hơn 600 năm vẫn vững bền và khá nguyên vẹn.Tổng khối lượng đá được sử dụng xây thành khoảng 20.000 m3 và gần 100.000 m3 đất được đào đắp công phu.


Trong lòng đất của Khu di tích còn lưu giữ các dấu tích Cung điện, đền đài, đường xá và nghệ thuật trang trí, các làng cổ cùng toàn bộ cảnh quan đồi núi, sông hồ mang đậm chất phong thủy điển hình. Di sản thành nhà Hồ thể hiện sự giao thoa văn hóa giữa Việt Nam và các nước trong khu vực Đông Nam Á.Thành nhà Hồ cũng từng được UNESCO công nhận là  Di sản Văn hóa thế giới vào tháng 6/2011.

Thứ Ba, 8 tháng 3, 2016

Khu danh thắng Tràng An - Ninh Bình

Nằm cách Hà Nội gần 100 km và cách trung tâm thành phố Ninh Bình 7km, quần thể danh thắng Tràng An trải rộng hơn 2.000 ha được tạo nên bởi  các dải núi đá vôi, các hang động kỳ ảo, cùng với hàng chục di tích lịch sử - văn hóa bao gồm đền thờ, chùa chiền, tạo nên một không gian huyền ảo, trữ tình hiếm thấy.

Điều đặc biệt ở Tràng An là các hồ có thể tạo thành nhiều hành trình xuyên thủy khép kín mà không phải quay ngược lại. Quần thể hang động này được ví như một trận đồ bát quái. Các dãy núi, hồ nước và hang động tạo thành một thế trận liên hoàn.

Tràng An minh chứng cho các giai đoạn cuối cùng của quá trình tiến hóa karst trong môi trường khí hậu nhiệt đới ẩm. Sự đa dạng địa chất địa mạo hiện diện tại Quần thể danh thắng Tràng An là kết quả từ các hoạt động địa chất liên tục qua hàng trăm triệu năm từ kỷ Trias đến Đệ Tứ. Trong suốt chính thời gian này, sự sụp đổ địa mạo và phân chia cao các khối núi Karst đá vôi trầm tích khổng lồ đã sảy ra ở đây.

Vùng lõi Tràng An có diện tích hơn 4.000 ha, là vùng bảo vệ đặc biệt của danh thắng. Vùng bảo vệ đặc biệt này nằm trọn trong quy hoạch khu du lịch Tràng An với diện tích 12.000 ha.

Đến với Khu du lịch sinh thái Tràng An để được thưởng ngoạn một bức tranh thủy mặc mê đắm lòng người với non nước, mây trời, khám phá những hang động kỳ ảo và có những phút giây thanh tịnh, thư giãn với văn hóa tâm linh riêng có của nơi đây.