Thành nhà Hồ (hay còn gọi là thành Tây Đô, thành An Tôn,
thành Tây Kinh hay thành Tây Giai) là kinh đô nước Đại Ngu (quốc hiệu Việt Nam
thời nhà Hồ), nằm trên địa phận nay thuộc tỉnh Thanh Hóa.
Thành Nhà Hồ do Hồ Quý Ly - lúc bấy giờ là tể tướng dưới triều
đại nhà Trần - cho xây dựng vào năm 1397. Thành xây xong, Hồ Quý Ly ép Vua Trần
Thuận Tông rời đô từ kinh thành Thăng Long (Hà Nội) về Thanh Hóa. Tháng 2 năm
Canh Thìn (1400), Hồ Quý Ly lên ngôi vua thay nhà Trần và đặt tên nước là Đại
Ngu (1400-1407), thành Nhà Hồ chính thức trở thành kinh đô. Thành Nhà Hồ trong
lịch sử còn có các tên gọi khác là thành An Tôn, Tây Đô, Tây Kinh, Tây Nhai,
Tây Giai.
Thành nhà Hồ gồm 3 bộ phận là La thành, Hào thành và Hoàng
thành. La thành là thành ngoài cùng được đắp bằng đất, xung quanh có các lũy
tre bao bọc, có chức năng bảo vệ Hoàng thành. Tiếp đó là Hào thành nằm giữa gần
bên chân thành để dẫn nước và cũng có chức năng bảo vệ Hoàng thành.. Trong đó,
công trình đồ sộ nhất và còn khá nguyên vẹn cho đến ngày nay là Hoàng thành.
Toàn bộ mặt ngoài tường thành và bốn cổng chính được xây bằng
những phiến đá vôi màu xanh, được đục đẽo tinh xảo, vuông vức, xếp chồng khít
lên nhau. Các bức tường thành được ghép từ những khối đá lớn, có phiến dài tới
hơn 6 m, ước nặng 20 tấn. Mỗi phiến đá được đục đẽo và mài khá nhẵn, xếp chồng
lên nhau tạo nên tường thành to lớn mà không cần chất kết dính, trải qua hơn
600 năm vẫn vững bền và khá nguyên vẹn.Tổng khối lượng đá được sử dụng xây
thành khoảng 20.000 m3 và gần 100.000 m3 đất được đào đắp công phu.
Trong lòng đất của Khu di tích còn lưu giữ các dấu tích Cung
điện, đền đài, đường xá và nghệ thuật trang trí, các làng cổ cùng toàn bộ cảnh
quan đồi núi, sông hồ mang đậm chất phong thủy điển hình. Di sản thành nhà Hồ
thể hiện sự giao thoa văn hóa giữa Việt Nam và các nước trong khu vực Đông Nam
Á.Thành nhà Hồ cũng từng được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới vào tháng 6/2011.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét